Đáp án a, di tích này ở huyện Tháp Mười
Theo tư liệu của Cục Di sản văn hoá, di tích lịch sử và khảo cổ Gò Tháp nằm huyện Tháp Mười, tỉnh Đồng Tháp, rộng hơn 290 ha. Di tích được các nhà khảo cổ học người Pháp phát hiện và công bố vào cuối thế kỷ 19 với tên gọi Prasat Pream Loven (Chùa năm gian).
Đây là địa điểm còn lưu giữ được nhiều giá trị lịch sử, văn hóa và khoa học gắn với nền văn hóa Óc Eo. Các nhà khảo cổ học đã phát hiện tại địa điểm này nhiều loại hình di tích, như di tích cư trú, mộ táng, kiến trúc, phân bố trên địa bàn rộng. Khu vực này còn phát hiện tượng thần Vishnu, Shiva bằng đá sa thạch, có khắc hoa văn và minh văn.
Một góc bên trong di tích Gò Tháp. Ảnh: Cục Di sản văn hoá
Nơi đây từng là đại bản doanh của nghĩa quân Thiên hộ Võ Duy Dương, Đốc binh Nguyễn Tấn Kiều trong thời kỳ đầu chống Pháp. Trong khoảng những năm 1946 - 1948, Gò Tháp là căn cứ địa của Xứ ủy Nam Bộ, Ủy ban Hành chính - Kháng chiến Nam Bộ, Khu ủy Khu 8.
Hiện, khu vực này còn lưu giữ được nhiều di sản văn hóa có giá trị lịch sử, văn hóa và khoa học như: gò Tháp Mười, gò Minh Sư, gò Bà Chúa Xứ, các hố thám sát, miếu Bà Chúa Xứ, miếu Hoàng Cô, mộ Đốc binh Nguyễn Tấn Kiều, đền thờ Thiên hộ Võ Duy Dương và Đốc binh Nguyễn Tấn Kiều.
Gò Tháp được xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt. Hàng năm, lễ hội Gò Tháp được tổ chức hai lần nhằm tưởng nhớ, tôn vinh hai anh hùng dân tộc đã lãnh đạo nghĩa quân chống lại thực dân Pháp là Thiên hộ Võ Duy Dương và Đốc binh Nguyễn Tấn Kiều.
Di tích Gò Tháp hiện nay. Ảnh: Bảo tàng Đồng Tháp